Chữ ký số: Thị trường nhiều tiềm năng
Tư vấn công nghệ – Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2007/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực số. Cùng với Luật Giao dịch điện tử năm 2006, nghị định đã tạo ra một môi trường pháp lý cho hoạt động và sự phát triển của dịch vụ chữ ký số – vốn đã được ứng dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chữ ký số vẫn đang là “cuộc chơi” của số ít doanh nghiệp trong khi tiềm năng của thị trường này vẫn còn rất lớn.
Bộ Thông tin – Truyền thông hồi tháng Tám đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Công ty cổ phần Hệ thống Thông tin FPT. Đây là doanh nghiệp thứ năm được phép cung cấp dịch vụ này, cùng với bốn đơn vị trước đó là VNPT, Bkis, Viettel và Nacencomm.
Bên cạnh hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước là Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc cung cấp dịch vụ này được xem là cú hích cho thị trường được đánh giá là có nhiều tiềm năng.
Nhu cầu nhiều nhưng giao dịch chưa khởi sắc
Bắt đầu ứng dụng dịch vụ chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ từ tháng 12 năm ngoái, ngành thuế được xem là một trong những đơn vị đầu tiên tiếp cận với hình thức bảo đảm an toàn thông tin đã trở nên phổ biến ở các nước có nền thương mại điện tử phát triển. Với dịch vụ số này, các doanh nghiệp không phải đến cơ quan thuế để nộp hồ sơ, họ chỉ cần đăng ký qua mạng Internet và sử dụng chữ ký số thay cho con dấu mà vẫn bảo đảm tính pháp lý của giấy tờ.
Bớt thời gian đi lại, không phải chen chúc xếp hàng tại cơ quan thuế vào những ngày cuối tháng, một số doanh nghiệp cho biết họ khá hào hứng đón nhận dịch vụ mới mẻ này. Bà Vũ Thục Quyên, kế toán trưởng kiêm Giám đốc Ban Tài chính – Kế toán của Ngân hàng Bảo Việt, cho biết doanh nghiệp mình chỉ mất khoảng nửa ngày để hoàn thành thủ tục nộp các tờ khai thuế vào cuối tháng thay vì phải cử nhân viên túc trực trong vòng 2-3 ngày tại cơ quan thuế như trước đây.
Chữ ký số được biết đến như một công nghệ xác thực, đảm bảo an ninh,an toàn cho giao dịch trên môi trường Internet. Chữ ký số sẽ giải quyếtvấn đề toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống sự chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yêntâm với các giao dịch điện tử của mình trong môi trường Internet.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015(được phê duyệt tại Quyết định 1703/QĐ-TTg) đã xác định đến năm 2015 sẽcó một số tổ chức của Việt Nam được các tổ chức chứng thực chữ ký số có uy tín của nước ngoài thừa nhận.
Việc được các tổ chức quốc tế công nhận có ba cấp độ: chấp nhận toàndiện, chấp nhận chọn lọc và chỉ chấp nhận trong một số giao dịch cụ thể.
Sự đón nhận dịch vụ chữ ký số cũng đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn đã làm quen với các giao dịch điện tử. Bà Đinh Thúy Anh, đại diện của Công ty TNHH B.Braun Việt Nam, cho biết chữ ký số là dịch vụ mà công ty đã chờ đợi từ lâu bởi nó cho phép tiết kiệm thời gian, nhân lực cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Sau ngành thuế, hải quan là một trong những đơn vị triển khai thí điểm dịch vụ chữ ký số cho các tờ khai hải quan điện tử. Lộ trình này sẽ được bắt đầu vào tháng mười năm nay tại Cục Hải quan Hà Nội và sau đó được mở rộng ra các cục hải quan khác trên khắp cả nước.
Tuy nhu cầu về chữ ký số đang tăng lên, nhưng theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay mới có khoảng 2.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ứng dụng chữ ký số và chứng thư số khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mà bộ cung cấp. Đây là con số rất nhỏ so với số lượng các doanh nghiệp trên cả nước.
Các chuyên gia của bộ đánh giá rằng nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với dịch vụ mới mẻ này là do họ chưa hiểu đúng về những tiện ích cũng như vai trò quan trọng mà chữ ký số và các giải pháp chữ ký số mang lại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan, nói rằng doanh nghiệp vẫn có tâm lý e dè khi ứng dụng các giải pháp mới như chữ ký số vào những thủ tục liên quan đến tài chính, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Các doanh nghiệp lo ngại về vấn đề bảo mật, tính pháp lý cũng như hạ tầng đường truyền”, ông nói và cho biết thêm khi triển khai dịch vụ này, ngành hải quan đã đẩy mạnh công tác thông tin để các doanh nghiệp hiểu về những tiện ích mà dịch vụ này có thể đem lại.
Bên cạnh đó, theo ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, những khó khăn khi triển khai dịch vụ này là khó tránh khỏi bởi Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng khóa công khai (Public key infrastruc-ture – PKI), hạ tầng nền tảng cho chữ ký số. Đây là hệ thống khá phức tạp và có liên quan đến nhiều vấn đề về pháp lý, công nghệ, tổ chức và tài chính. Chính vì thế, việc phát triển dịch vụ này đòi hỏi sự nỗ lực chung của các cơ quan nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Thị trường đang rộng mở
Phần lớn chuyên gia có mặt tại cuộc hội thảo về phát triển ứng dụng chữ ký số trong thương mại điện tử do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức hồi tháng trước đều nhận định, mặc dù còn gặp khá nhiều trở ngại xuất phát từ tâm lý e ngại của doanh nghiệp ứng dụng cũng như môi trường hoạt động, thị trường này vẫn có nhiều tiềm năng.
Sự xuất hiện của bốn nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng là Bkis, Viettel, Nacencomm và FPT IS chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đơn vị đầu tiên được cấp giấy phép là VNPT đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng thực điện tử.
Ông La Thế Hưng, Trưởng phòng An ninh bảo mật của VDC, đơn vị được VNPT ủy quyền thực hiện dịch vụ, cho biết hành lang pháp lý và sự phát triển của các cổng thương mại điện tử, các ứng dụng về tài chính – ngân hàng và dịch vụ hành chính công trên mạng Internet sẽ là những cơ sở giúp chữ ký số phát triển trong thời gian tới.Ông Khả cũng nhận định rằng việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử là một xu hướng tất yếu trong tương lai gần. Chỉ tính trong khu vực châu Á, từ những năm 2000 luật về chữ ký số và chứng thực điện tử đã được ban hành tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Và những rào cản hiện hữu
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình ứng dụng chữ ký số ở Việt Nam. Cụ thể, Bộ Công thương hiện đã tích hợp chữ ký số vào thư điện tử (e-mail), nhưng với những giao dịch không quan trọng thì không cần thiết phải bảo mật bởi chữ ký số, còn đối với những văn bản quan trọng thì quy định của luật lại không cho phép sao chép và lưu trữ ở dạng dữ liệu số.
Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Nacencomm, cho rằng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng và phát triển chữ ký số hiện tại đã khá đầy đủ nhưng các chính sách khuyến khích còn chưa cụ thể. Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu, vẫn chưa có nhiều hợp đồng, giao dịch được ký kết, thực hiện, thanh toán… trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, thói quen cũ về mua bán thực tế và mối e ngại của người tiêu dùng đối với giao dịch trực tuyến còn lớn cũng góp phần tạo nên những lực cản. Một khó khăn khác là các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam mới chỉ được thừa nhận ở trong nước và họ còn một quãng đường dài để được thừa nhận ở thị trường quốc tế. Và điều này đòi hỏi sự hợp tác và hợp lực giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong quá trình đàm phán với các tổ chức chứng nhận của quốc tế.
Đây là một mục tiêu được đánh giá là khó thực hiện. Nghị định 26 cũng quy định để các quốc gia công nhận chữ ký số lẫn nhau thì cần phải có công ước về vấn đề này. Hiện Việt Nam chưa ký công ước với nước nào và trước mắt, có thể sẽ tiến hành ký kết với các nước trong khu vực châu Á.
(Theo TBKTSGO)